Chính vì lẽ đó, việc ôn lại truyền thống, ý nghĩa lịch sử của sự kiện Bác Hồ vào thăm Quảng Bình năm nay mang một ý nghĩa vô cùng to lớn, góp phần thực hiện có hiệu quả nội dung Chuyên đề năm 2024 của Đảng bộ tỉnh Quảng Bình: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên gương mẫu, tận tâm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới vì sự phát triển của quê hương, đất nước” và tinh thần “7 dám” của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; phát huy ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, góp phần đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở Đảng bộ tỉnh thực chất, hiệu quả hơn; tạo quyết tâm, khí thế mới, mạnh mẽ hơn và quyết liệt hơn để triển khai những ý tưởng, sáng kiến, giải pháp mang tính đột phá, tạo chuyển biến mạnh mẽ và tác động thiết thực đến tiến trình phát triển của quê hương, đất nước.
1. Ngày lịch sử
Ngày 16 tháng 6 năm 1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh vào thăm Quảng Bình. Cùng đi với Người có đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Uỷ viên Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, đồng chí Hoàng Văn Diệm, Chủ tịch Uỷ ban hành chánh Liên khu 4 và một số cán bộ ở Trung ương. Đây là sự kiện lịch sử vô cùng trọng đại, mãi mãi khắc sâu trong lòng người dân Quảng Bình. 67 đã năm trôi qua nhưng những kỉ niệm sâu sắc, những cử chỉ ân cần, những lời dặn dò cặn kẽ, thấu đáo ấy vẫn còn hiện hữu trong cuộc sống hôm nay của Đảng bộ và Nhân dân tỉnh nhà. Thật là, 67 năm ấy biết bao nhiêu tình!
Bảy giờ ba mươi phút ngày 16/6/1957 máy bay từ thành phố Vinh chở Bác vào Quảng Bình. Tám giờ mười lăm phút cùng ngày, chiếc máy bay Li2 - số 203 chở Bác và đoàn cán bộ Trung ương xuất hiện trên bầu trời Đồng Hới rồi từ từ hạ cánh xuống sân bay. Các đồng chí trong Tỉnh uỷ, Uỷ ban Nhân dân, đại diện các đoàn thể và cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 325 đón Bác, trong niềm vui dâng trào.
2. Lời dặn dò ân cần
Làm việc với các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Bác hỏi tỉ mỉ về công tác xây dựng Đảng, số lượng đảng viên, tình hình đoàn kết trong Đảng, đoàn kết toàn dân sau sửa sai, tình đoàn kết giữa lương và giáo; giữa miền xuôi và miền ngược; giữa vùng mới giải phóng và vùng tự do, giữa nhân dân địa phương và cán bộ, bộ đội, đồng bào miền Nam ra tập kết, về tình hình khôi phục và phát triển kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh... Bác dành nhiều tình cảm với chị em phụ nữ, với các cháu thiếu niên nhi đồng, các cụ phụ lão và đồng bào miền núi. Bác thường xuyên nhấn mạnh đoàn kết nhân dân. Đoàn kết càng cao, thành tích càng nhiều, thắng lợi càng lớn.
Vào thăm tỉnh ta, thấy đời sống nhân dân khấm khá hơn, Bác rất vui mừng. Bác bảo: Đảng ta làm cách mạng không có mục đích nào khác hơn là đem lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân.
Trong buổi nói chuyện với cán bộ và Nhân dân tỉnh ta tại sân vận động Đồng Hới vào ngày 16/6/1957, Bác đã dặn về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và phát triển kinh tế như sau: “Quảng Bình cùng với Vĩnh Linh ở tuyến đầu miền Bắc, tiếp giáp với miền Nam, mọi việc làm tốt hay xấu của các cô, các chú ở đây đều có ảnh hưởng đến việc bảo vệ miền Bắc. Nếu kẻ địch có hoạt động liều lĩnh gì thì Quảng Bình và Vĩnh Linh phải đương đầu với chúng trước hết. Các cô các chú phải chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang, nhất là dân quân tự vệ”. Thương Quảng Bình và thấy được những tiềm năng to lớn về nguồn nhân lực cũng như tài nguyên của mảnh đất này nên Bác còn dặn thêm: “Đối với Quảng Bình, nghề biển, nghề rừng cũng quan trọng không kém nghề ruộng. Hơn nữa Quảng Bình còn có những thứ đặc biệt mà các nơi khác trên miền Bắc ít có. Xưa Quảng Bình nghèo khổ vì đế quốc, phong kiến bóc lột, kìm kẹp, vì chiến tranh tàn phá. Ngày nay chúng ta đã có hòa bình để xây dựng CNXH, nếu biết dùng đúng và dùng tốt tài nguyên và lao động của mình thì Quảng Bình sẽ giàu có, không những đời sống nhân dân trong tỉnh được nâng cao mà còn đóng góp một phần quan trọng cho Nhà nước”.
Tình cảm mà Bác Hồ dành cho Quảng Bình là rất đặc biệt. Mảnh đất miền Trung nắng gió này vinh dự được nâng bàn chân Bác trong hai lần Bác cùng gia đình vào Huế ngày xưa. Lần thứ nhất vào năm 1895 và lần thứ hai là năm 1906. Những kỉ niệm vè vùng đất này luôn khắc ghi trong lòng Bác, để hôm nay trở về thăm, với tư cách là Chủ tịch nước, Bác nhắc: “Trong cảnh nước mất, nhà tan, dân ở đâu cũng khổ, cũng cực nhưng Quảng Bình cực nhất”. Bác dõi theo từng bước đi của Đảng bộ và Nhân dân Quảng Bình. Có thể nói, Quảng Bình luôn ở trong tim Bác cũng như Bác luôn ở trong trái tim của Đảng bộ và Nhân dân Quảng Bình!
Quảng Bình hôm nay
Lời căn dặn của Bác đã trở thành phương châm hành động, ý chí quyết tâm của Đảng bộ và Nhân dân Quảng Bình trong suốt 67 năm qua - 67 năm ấy biết bao mặn nồng!
3. Quảng Bình nguyện làm theo lời Bác
Kỷ niệm 67 năm ngày Bác Hồ về thăm Quảng Bình là dịp để chúng ta ôn lại truyền thống, ghi nhớ những tình cảm thiêng liêng, sâu sắc của Đảng, Bác Hồ kính yêu với Đảng bộ và Nhân dân Quảng Bình. Qua đó, thể hiện lòng biết ơn vô hạn của Đảng bộ, quân và dân Quảng Bình đối với công lao to lớn của Đảng và Bác; giáo dục sâu rộng tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người; tăng cường khối đại đoàn kết, ghi nhận những tình cảm thiêng liêng của bà con đồng bào các dân tộc, đặc biệt là bà con Bru-Vân Kiều đối với Đảng và Bác Hồ kính yêu.
Quảng Bình hôm nay
Thực hiện lời dạy của Người, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Quảng Bình đã đoàn kết một lòng quyết tâm khắc phục mọi khó khăn thử thách, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua. Đồng lòng, chung sức xây dựng và phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.
Đỗ Đức Thuần